Lãnh đạo Vingroup khẳng định: Với mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam uy tín trên trường quốc tế, chúng tôi quyết định chấp nhận các khó khăn trong ngắn hạn.
Sếp Vingroup lên tiếng về mức triển vọng "tiêu cực"
Tuần qua, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn Vingroup ở mức B+ tuy nhiên thay đổi triển vọng từ “ổn định” thành “tiêu cực”.
Nguyên nhân do Vingroup liên tục mở rộng các ngành kinh doanh mới, đặc biệt là tài trợ nợ cho hãng ô tô VinFast, đòi hỏi số tiền chi tiêu trước lớn nhưng có thể bị lỗ trong giai đoạn phát triển ban đầu.
Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) đã thay đổi triển vọng của Vingroup từ “ổn định” thành “tiêu cực”.
Lên tiếng sau đó, phía Vingroup cho biết đây là điều đã nằm trong dự liệu của tập đoàn. Hiện tại, VinFast là dự án được đầu tư lớn nhất của Vingroup. Đặc biệt, nhằm giúp đông đảo người Việt được tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm, VinFast đang duy trì chính sách giá “3 Không” (Không chi phí khấu hao đầu tư, không chi phí tài chính và không lợi nhuận) kèm nhiều ưu đãi khác.
Lãnh đạo Vingroup khẳng định: Với mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam uy tín trên trường quốc tế, chúng tôi quyết định chấp nhận các khó khăn trong ngắn hạn.
Công ty nông nghiệp của Bầu Đức thoát khó, nhắm kế hoạch khủng
Tại lễ kỷ niệm một năm rót vốn vào Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Thaco, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) đã thoát khỏi tình huống "nghìn cân treo sợi tóc" đồng thời bước vào giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương thì cho biết, đóng góp kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của HNG ước khoảng 200 triệu USD. Năm 2020, công ty này gần như cầm chắc sẽ đạt 500 triệu USD và có thể tiến đến ngưỡng 1 tỷ USD trong những năm kế tiếp.
Trước đó, ngày 8/8/2018, Thaco đã chính thức thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với HAGL, đầu tư vào 2 công ty là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) và HAGL Myanmar.
Theo kế hoạch, tổng số tiền Thaco đầu tư vào các công ty Hoàng Anh Gia Lai khoảng 22.000 tỷ đồng, xấp xỉ một tỷ USD. Đây được xem là thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam của hai doanh nghiệp trong nước.
Ông lớn hàng không tranh cãi vụ niêm yết giá vé máy bay
Tuần trước, một số tờ báo đưa tin, Vietnam Airlines đã gửi văn bản lên Cục Quản lý giá và Cục Hàng không Việt Nam cho rằng một số hãng hàng không niêm yết giá vé không bao gồm thuế, phí trên website. Về phần mình, Vietnam Airlines khẳng định hãng này đang thực hiện đúng quy định niêm yết giá vé đầy đủ bao gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí.
Vietnam Airlines cho rằng một số hãng hàng không niêm yết giá vé không bao gồm thuế, phí trên website.
Lên tiếng sau đó, Vietjet cho rằng, các văn bản hiện tại không quy định rõ việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm cả thuế, phí hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ đó (net fare) bao gồm giá gốc cộng với thuế, phí, giá dịch vụ đi kèm.
Vietjet lấy ví dụ về vé máy bay nội địa của hãng này niêm yết trên website đầy đủ yếu tố gồm giá gốc của vé, tiền thuế, phí, dịch vụ kèm theo, tiền suất ăn, tiền đưa đón sân bay…
Vietjet khẳng định hãng này lựa chọn phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé máy bay của hãng (net fare) đảm bảo tính công khai, minh bạch về giá vé, tăng thêm cơ hội lựa chọn cho hành khách.
Hãng bay của ông Trịnh Văn Quyết chính thức nhận giấy phép mới
Bộ Giao thông vận tải đã chính thức cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho phép Bamboo Airways nâng quy mô đội bay từ 10 lên 30 chiếc.
Giấy phép được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải ký ngày 11/9 cũng cho biết, Bamboo Airways được tăng vốn điều lệ 700 tỷ lên 1.300 tỷ đồng.
Hiện tại, Bamboo Airways vận hành đội bay 10 chiếc Airbus gồm 1 máy bay A319, 5 máy bay A320 và 4 máy bay A321.
Mới đây, có không ít thông tin cho rằng, Bamboo Airways thuê lại máy bay Airbus A330 mà Vietnam Airlines vừa “khai tử” khỏi đội bay. Đây là loạt máy bay đã được Vietnam Airlines khai thác nhiều năm và hãng này muốn nâng cấp đội tàu bay mới.
Ngay sau đó, đại diện Bamboo Airways đã lên tiếng bác bỏ: “Hãng không có kế hoạch đưa vào khai thác thương mại dòng máy bay thân rộng Airbus A330 như một số thông tin thất thiệt gần đây trên báo chí và mạng xã hội”.
Công ty của ông Nguyễn Đăng Quang nhận 130 triệu USD sau vụ kiện
Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, thông báo đã dàn xếp xong vụ kiện với Jacobs E&C Australia Pty Ltd, công ty con của Jacobs Group tại Australia.
Theo đó, phía Jacobs Group đã thanh toán cho Núi Pháo 130 triệu USD theo phán quyết của hội đồng trọng tài do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định.
Núi Pháo là doanh nghiệp do Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) thuộc tập đoàn Masan sở hữu 100% vốn.
Phía Masan cho biết, sau khi Jacobs thanh toán số tiền trên, Núi Pháo sẽ chấm dứt vô điều kiện việc thực hiện các quyền theo phán quyết chung thẩm từng phần cùng tất cả yêu cầu và hành động khác liên quan đến vụ kiện tại trọng tài quốc tế.
Núi Pháo là một trong những mỏ khai khoáng lớn nhất Việt Nam với trữ lượng khoảng 66 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng.
Theo Phương Linh (Dân Việt)